Hai lá thư của Bác Hồ gửi thiếu nhi vào Tết Trung thu độc lập đầu tiên

Là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm yêu thương đặc biệt cho thiếu niên, nhi đồng – thế hệ tương lai của đất nước. Tình cảm ấy không chỉ thể hiện khi Người còn sống mà còn thấm nhuần sâu rộng trong lòng nhân dân qua những trang viết, những vần thơ đầy cảm xúc, đặc biệt là những lá thư Bác gửi các cháu nhân dịp Tết Trung thu.

thu bac ho gui thieu nhi
Thư Bác Hồ gửi thiếu nhi dịp Tết Trung thu 2/10/1950. Ảnh: Bảo tàng HCM

Tràn đầy niềm hân hoan, phấn khởi, trước ngày Tết Trung thu 5 ngày (15/9/1945), Bác Hồ đã gửi đến thiếu nhi cả nước lá thư ngập tràn niềm vui chiến thắng: “Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em”. Niềm vui của Bác, cũng như niềm vui của dân tộc ta lúc bấy giờ được nhân lên gấp bội khi nghĩ về sự đổi đời của thế hệ trẻ: từ “bầy nô lệ trẻ con” nay đã trở thành “những người tiểu quốc dân của một nước độc lập”.

TẾT TRUNG THU VỚI NỀN ĐỘC LẬP

Cùng các trẻ em yêu quý,

Hôm nay là Tết Trung thu.

Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa, và nhiều đồ chơi khác. Các em vui vẻ nhỉ!

Cái cảnh trăng tròn gió mát, hồ lặng trời xanh của Trung thu lại làm cho các em thêm vui cười hớn hở.

Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập.

Hôm nay tha hồ các em vui chơi cho thỏa chí, ngày mai mong các em ra sức học tập, tất cả các em đã biết chữ quốc ngữ chưa? Em nào chưa biết thì phải học cho biết. Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang. Và ra sức giúp việc cho Nhi đồng cứu vong hội (các em đã vào Hội đó chưa? Em nào chưa vào thì nên vào Hội cho vui).

Đến Trung thu năm sau, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc vui, cả già lẫn trẻ. Các em nghĩ thế nào?

Trung thu này, Già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái.

HỒ CHÍ MINH

(Hồ Chí Minh – Toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 15)

Trong không khí hân hoan của đêm Trung thu độc lập đầu tiên, Bác Hồ một lần nữa ân cần gửi đến thiếu nhi cả nước lá thư chan chứa yêu thương, trìu mến. Vẫn với cách xưng hô gần gũi “các em”, Bác mong muốn các em vừa được vui chơi, đoàn kết trong ngày Tết truyền thống, vừa không quên nhiệm vụ học tập, rèn luyện để trở thành người công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước “độc lập tự do”.

Ước mong về một Việt Nam độc lập và thế hệ trẻ được sống trong hạnh phúc luôn là khát vọng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Bác trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng.

Từ đêm Trung thu năm 1945, dưới ánh sao vàng huyền thoại, dân tộc ta đã cùng nhau hướng về một tương lai tươi sáng cho đất nước và cho thế hệ mai sau.

Nội dung bức thư thứ 2:

THƯ GỬI THIẾU NHI VIỆT NAM ĐÊM TRUNG THU ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Các em,

Đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em. Hôm nay các em vui chơi, vui chơi một cách có đoàn kết, có tổ chức. Như thế là tốt lắm. Hôm nay Tết Trung thu là của các em. Mà cũng là một cuộc biểu tình của các em để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập.

Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do.

Các em có hứa với tôi như thế không? Tôi không có gì biếu các em, chỉ có thể đem cho mỗi đoàn các em một cái ảnh; các đại biểu sẽ đưa cho các em.

Cám ơn các em! Hôn các em nhé!

Trước khi các em đi phá cỗ vui vẻ, chúng ta cùng nhau hô hai khẩu hiệu:

Trẻ em Việt Nam sung sướng!

Việt Nam độc lập muôn năm!

Chào các em,

HỒ CHÍ MINH

(Hồ Chí Minh – Toàn tập – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 26)

Dù đã đi xa, nhưng hình ảnh Bác Hồ và tình yêu thương bao la mà Người dành cho thiếu nhi vẫn sống mãi trong lòng dân tộc. Những lá thư Trung thu của Bác đã trở thành di sản tinh thần vô giá, là bài học lớn lao về đạo đức, tình yêu thương con người, lòng yêu nước nồng nàn dành cho thế hệ trẻ Việt Nam.

Mỗi dịp Trung thu về, đọc lại những dòng thư ấy, chúng ta lại càng thấm thía hơn tấm lòng của Bác, từ đó nhắc nhở bản thân phải sống tốt hơn, học tập tốt hơn để xứng đáng với niềm tin yêu của Bác.

Xem thêm: Những bài thơ hay về Trung thu