Người Pháp không dùng từ boire (uống) mà là déguster (thưởng thức) vang. Nhiều người Pháp cho rằng, uống rượu vang với nước đá là một tội ác trong ẩm thực. Ở vùng cực Nam nước Pháp, có một mẩu quảng cáo về rượu vang khá ấn tượng: Hình khuôn mặt của một phụ nữ với đôi mắt rất gợi cảm và bên cạnh là dòng chữ “Comment nous dégester!” (Thưởng thức chúng tôi như thế nào!).
Vang càng già càng ngon?
Một số người cho rằng, vang có tuổi thọ càng lâu càng ngon. Điều này chưa hẳn đúng. Có những loại có thể uống ngay sau khi thu hoạch hoặc sau vài tháng. Ngược lại, có loại phải lưu trữ nhiều năm để đạt độ chín cần thiết.
Tuy nhiên, rượu vang được coi là sản phẩm sống và có thể phát triển theo thời gian. Những gia đình truyền thống Pháp thường có một cave à vin (hầm rượu vang) riêng, để chứng tỏ thành phần gia đình và địa vị của họ trong xã hội. Những chai vang trữ dưới hầm tối, có độ ẩm cao, luôn được đặt nằm ngang để rượu có thể thở qua nút đậy.
Rượu vang pháp như … phụ nữ đẹp?
Chuyên gia rượu vang ở Languedoc, ông Bernard cho biết, một chai rượu vang, dù ở cấp độ nào, phải được cảm nhận bằng 3 giác quan: thị giác, khứu giác và vị giác. Thị giác để quan sát màu sắc, độ trong suốt và sóng sánh của rượu. Khứu giác giúp cảm nhận hương chính của hoa, quả, thảo mộc và cả mùi lông thú rất đặc biệt. Vị giác để kiểm định chất lượng các vị chát, chua, ngọt khác nhau của rượu cũng như độ lan tỏa, độ cồn, độ sánh…
Rượu vang được ví như người phụ nữ đẹp nên cũng có đời sống như một… người đẹp.
Lúc trẻ, vang trắng màu vàng phơn phớt xanh lá mạ. Đến tuổi trưởng thành, có màu vàng nhạt của chanh. Vang trắng chín muồi sẽ có vị đậm đà của mật ong và tuổi già sẽ có màu hổ phách. Vang đỏ cũng có dòng đời tương tự. Từ đỏ đậm chuyển sang màu mực tím thẫm và đạt độ chín ở màu đỏ gạch hoặc già hơn sẽ chuyển sang nâu. Rượu có tuổi đời càng trẻ mùi hoa quả tươi càng rõ nét. Sang tuổi trưởng thành, vang có mùi của trái cây chín rất thơm. Rượu vang đạt đến mức tuyệt đỉnh có mùi vị như người phụ nữ đến độ chín của tài lẫn sắc.